Thống kê truy cập

Liên kết website

Giới thiệu

KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ XÃ PÀ VẦY SỦ

12/07/2021 04:03 333 lượt xem

1. Điều kiện tự nhiên

Pà Vầy Sủ là xã biên giới, vùng cao núi đá, đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 18 km về phía Tây Bắc, có chiều dài đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là 15,21 km, gồm 23 cột mốc, từ cột mốc 172 đến cột mốc 185+500. Phía đông giáp xã Chí Cà, phía Nam giáp  xã Nàn Ma và một phần của xã Lủng Cải (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai); phía tây giáp xã Lùng Sui (huyện Xi Ma Cai – Lào Cai), phía Bắc tiếp giáp với Trấn Chín Sang – Trung Quốc.

Xã có tổng diện tích tự nhiên là 2.518,92 ha; trong đó diện tích đất nông, lâm nghiệp 1.036,5 ha, đất phi nông nghiệp 1.075,62 ha, đất chưa sử dụng 406,8 ha. Địa hình của xã Pà Vầy Sủ khá phức tạp, nằm trọn trên dãy Hoàng Vần Thùng với những dãy núi đồi liên tiếp bao bọc như những lá chắn thép khổng lổ, có độ cao trung bình trên 1.200 mét so với mực nước biển (trong đó có 2 điểm cao nhất, điểm cao 1.326 mét tại thôn Thào Chứ Ván và điểm cao 1.226 mét). Các sườn núi có độ dốc lớn, trung bình từ 200 trở lên, chủ yếu là núi đá vôi. Đồi núi chiếm phần lớn diện tích trong xã, ngày nay được khai thác trở thành những vùng đất trồng thảo quả, ấu tẩu cho thu nhập cao của nhân dân trong xã. Đây là một trong những tiềm năng, thế mạnh của xã trong phát triển ngành nông nghiệp.

Là vùng đất có độ dốc lớn, khan hiếm về nguồn nước, đại đa số các thôn bản thiếu nước sinh hoạt và sản xuất về mùa khô, mùa mưa chỉ tranh thủ được ít thời gian để tích trữ nước sinh hoạt tại các mạch nước nhỏ ở các khe núi. Khí hậu Pà Vầy Sủ chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa đông bắc, nên xã có hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh – hanh, khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ cao nhất là 300C, nhiệt độ thấp nhất trong năm có lúc xuống tới âm 10C. Lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 1.800 mm, đã tạo nên thảm thực vật phong phú. Từ xa xưa, vùng đất Pà Vầy Sủ chủ yếu là rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý, nhiều loại thảo dược quý hiếm và chim muông, động vật hoang dã như: Hổ, báo, gấu, lợn rừng, hươu, nai... Song do con người khai thác, săn bắn, chưa có ý thức bảo vệ, nên rừng tự nhiên bị cạn kiệt, các loại gỗ quý và động vật hoang dã không còn đa dạng như trước. Hiện nay rừng nguyên sinh không còn nhiều, chủ yếu là rừng tái sinh và rừng trồng. Đất rừng của xã chủ yếu núi đất cao, xen lẫn đá, cát nên dễ bị rửa trôi, sạt lở khi trời mưa. Ngày nay, nhân dân các dân tộc Pà Vầy Sủ đang nỗ lực trồng cây, gây rừng để tìm lại và phát huy lợi thế của tài nguyên rừng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Về giao thông, trước năm 1962 hệ thống giao thông trên địa bàn xã chủ yếu là đường mòn đi bộ cho người và ngựa. Ngày nay, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, ngoài chục đường lưu thông chủ đạo từ xã về huyện là tuyến đường liên xã cơ bản được cứng hóa, các tuyến từ xã đến các thôn được mở rộng cho xe ô tô đến trung tâm thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân trong xã.

Tuy nhiên, là một xã có địa hình phức tạp, đồi núi dốc, bị chia cắt bởi nhiều khe núi, nên đã hạn chế đến phát triển hệ thống giao thông, đi lại và sinh hoạt; đồng thời cũng là một trong những nhân tố kìm hãm quá trình trao đổi hàng hóa và sự phát triển kinh tế của địa phương. Hàng năm, đến mùa mưa lũ, gây sạt lở, sói mòn, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Để khắc phục những khó khăn, trở ngại về điều kiện tự nhiên, đồng bào các dân tộc nơi đây đã biết tận dụng và khai thác những mặt thuận lợi của tự nhiên, như tận dụng các nguồn nước từ các khe suối nhỏ để làm thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhân dân các dân tộc trong xã cũng đã có sự điều chỉnh mùa vụ thích hợp với điều kiện thời tiết trong năm.

Tất cả những điều kiện tự nhiên đó đã tạo ra những khó khăn, thử thách không nhỏ trên con đường phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh của xã. Điều này, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Pà Vầy Sủ cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc khắc phục những khó khăn, trở ngại của tự nhiên, đồng thời tìm ra một hướng phát triển thích hợp cho riêng mình.

2. Kinh tế, xã hội và con người xã Pà Vầy Sủ

Pà Vầy Sủ là mảnh đất vốn có truyền thống lịch sử lâu đời. Trong chặng đường dài lịch sử của thời dựng nước, vùng đất này là một phần của Châu Vị Xuyên thuộc trấn Tuyên Quang của Nhà nước Đại Việt, vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1821) thời nhà Nguyễn, châu Vị Xuyên được chia thành 2 huyện: Huyện Vị Xuyên thuộc phủ Tương Yên, huyện Vĩnh Tuy thuộc phủ Yên Bình. Dưới thời pháp thuộc, Pà Vầy Sủ nằm trong tổng Xín Mần[1] thuộc Đại lý Hoàng Thu Bì (Hoàng Su Phì), Châu Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang[2], về sau huyện Vị Xuyên được chia thành 02 huyện: huyện Vị Xuyên và huyện Hoàng Su Phì; thời kỳ này, vùng Pà Vầy Sủ thuộc xã Chí Cà, huyện Hoàng Su Phì. Đến năm 1962, Pà Vầy Sủ được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Chí Cà theo Quyết định số 50-CP, ngày 30/4/1962 của Hội đồng Chính phủ. Tiếp đó, ngày 01/4/1965, huyện Hoàng Su Phì được chia thành hai huyện: Hoàng Su Phì và Xín Mần[3]; kể từ đây, Pà Vầy Sủ là một trong 19 xã, thị trấn của huyện Xín Mần. Năm 1981, thực hiện quyết định số 185-CP của Hội đồng Bộ trưởng, xã Pà Vầy Sủ được sát nhập vào xã Cốc Pài và lấy tên xã là Pà Vầy Sủ; tiếp đó đến năm 1994, theo nghị định số 112-CP của Chính Phủ, xã Pà Vầy Sủ tiếp tục được chia tách thành 2 xã: Cốc Pài và Pà Vầy Sủ[4].

Năm 2021, xã Pà Vầy Sủ có 07 thôn bản, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông, chiếm trên 98%, còn lại là các dân tộc khác. Theo số liệu thống kê của Chi Cục Thống kê huyện Xín Mần, tính đến năm 2021, xã Pà Vầy Sủ có 2.165 khẩu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trong quá trình lao động và sáng tạo, chinh phục tự nhiên không mệt mỏi, con người nơi đây đã tạo dựng cho mình một thế ứng xử với tự nhiên để tồn tại và không ngừng phát triển. Về sản xuất nông nghiệp, xã có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, đảm bảo trồng được các loại nông sản như ngô, khoai, sắn, ý dỹ, tam giác mạch, đậu tương... Ngoài gieo trồng cây lương, thực trên địa bàn xã còn trồng được cây Thảo quả - loại dược liệu được thị trường trong và ngoài xã biết đến, là một trong những thế mạnh của xã trong việc phát triển kinh tế.

Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp: nhìn chung chưa phát triển, chủ yếu là một số ngành, nghề truyền thống như rèn, đúc nông cụ sản xuất cầm tay, dệt vải lanh, thổ cẩm… Về chăn nuôi: trên địa bàn xã chủ yếu là phát triển đàn trâu, bò, dê và lợn để lấy thịt, sức kéo và phân bón phục vụ sản xuất. Ngoài ra còn phát triển chăn nuôi các vật nuôi phổ biến như gà, vịt, ngan, ong mật rừng và một số vật nuôi khác.

Với đặc thù là một xã thuộc vùng cao núi đá, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Song, Pà Vầy Sủ là mảnh đất có những lối mở, đường mòn biên giới (chợ lối mở mốc 172 – Ma Lỳ Sán), là điều kiện thông thương với các trấn nước bạn Trung Quốc. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã có đời sống văn hóa tương đối phong phú, đoàn kết, thống nhất trong một cộng đồng; sau mỗi mùa vụ, đồng bào nơi đây thường tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian như: đánh yến, đánh sảng, múa khèn, múa gậy đồng xu; lễ cúng rừng... Ngoài ra, còn có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính tập thể hoặc cũng có nhiều yếu tố truyền thống đặc sắc mà đến nay vì nhiều lý do tác động đã bị mai một. Ngày nay, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cùng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Pà Vầy Sủ đã không ngừng được nâng lên. Việc thực hiện các phong trào văn hóa, gia đình văn hóa đã đạt được những kết quả nhất định, nếp sống văn hóa mới mỗi ngày được xây dựng vững chắc. Đồng thời, đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi, tiềm năng, lợi thế của địa phương đối với phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trong những năm tới.


[1] Là một trong hai tổng của Đại lý Hoàng Thu Bì (Hoàng Su Phì), gồm các tổng, xã: Tổng Tụ Nhân, có: Bản Luốc, Ho Tao; Trung Thịnh, Tụ Nhân. Tổng Xín Mần (Thành Môn), có: Hữu Yên và Man Mây

[2] Tỉnh Hà Giang được thành lập vào ngày 20 tháng 08 năm 1891.

[3] Theo Quyết định số 49/CP ngày 01/4/1965 của Hội đồng Chính phủ.

[4] Tại thời điểm này, xã Pà Vầy Sủ có diện tích tự nhiên là 2.518,92  ha, với 1.179 nhân khẩu.

Xuân Trường

Tin khác